Câu hỏi 1: Dự thảo Nghị định 86 vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ đang gây ra những ý kiến trái chiều trong bản thân các thành viên Chính phủ, trong đó có đến 15/26 thành viên Chính phủ chọn phương án coi app gọi xe là loại hình xe hợp đồng, 8 thành viên Chính phủ chọn phương án gọi app gọi xe là taxi và 3 thành viên Chính phủ không chọn phương án nào và đề nghị đưa ra quy định riêng cho loại hình mới. Thế nhưng Bộ GTVT vẫn nhất quán phương án cần phải quản lý các xe sử dụng app gọi xe là taxi. Mang 1 chiếc áo thể chế cũ ra để “mặc" cho 1 mô hình kinh doanh mới, theo ông, quan điểm này có phù hợp với xu hướng công nghệ 4.0 hiện nay?
Câu trả lời 1:
Theo tôi việc này Bộ GTVT đã đi ngược lại xu thế thời đại và đi ngược lại cả chủ trương mà Bộ đã công bố ở Quyết định 24 thí điểm cách nay 2 năm!
Thực ra, nhìn kết quả lấy ý kiến của các thành viên chính phủ thì đã rõ là : đại đa số đã ủng hộ cái mới mà chính bộ GTVT đã cho thí điểm! và không hiểu vì lý do gì Bộ đã chọn con đường ngược lại!
Đây không những là bước đi thiếu tiến bộ mà là một bước lùi đáng tiếc! nó không đúng với chủ trương hiện nay là chính phủ kiến tạo,chỗ dựa để các DN/HTX góp phần phát triển kinh tế, xã hội và thõa mãn nhu cầu đi lại ngày càng thuận lợi và ngày càng cao của người dân!
Chúng ta nên nhớ rằng trong năm 2017, tòa án công lý Châu âu phán quyết Uber chỉ là một hãng vận tải! chứ không phải là một hãng Taxi!
Ngoài ra , ngày nay có rất nhiều nền kinh tế ta phải nhận diện như: gig economy (kinh tế tạm thời); Sharing economy (kinh tế chia sẻ); barter economy (kinh tế hàng đổi hàng) hoạc gift economy (kinh tế quà biếu)…trong đó mộ hình Grab hay Uber áp dụng mô hình nên kinh tế chia sẻ khá tốt, vì nó huy động mọi nguồn lực dư thừa để góp phần làm kinh tế phát triển và hiệu quả!
Câu hỏi 2: Theo Bộ GTVT, quá trình thí điểm ứng dụng xe hợp đồng điện tử (hiện gồm các App gọi xe như Grab, VATO, GoViet, Fastgo, Be… ) đã được thực hiện trong suốt thời gian qua.Qua đó nhằm thực hiện nghiêm việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sự đổi mới trong hoạt động vận tải. Quá trình thí điểm cho thấy, phương thức hoạt động của các App vận tải theo Bộ GTVT tương đối giống với xe taxi. Đánh giá này liệu có được coi là hợp lý, thưa ông?
Câu trả lời 2:
Đánh giá này của Bộ GTVT chẳng những vừa không hợp lý lại vừa không đúng với thực tế diễn ra thời gian thí điểm qua! Cứ xem cách người dân chọn lựa phương tiện để sử dụng thì các bạn sẽ thấy: Nếu không có loại hình gọi xe qua app như Grab hoặc Uber thì làm sao chúng ta có thể triệt tiêu được một số tệ hại mang tính cố hữu của loại hình Taxi cũ:
1) Gọi xe không biết xe có đến hay không, đến lúc nào và loại xe nào?
2) Hành trình bạn sẽ đi và giá cước có phù hợp (phải chăng)?
3) Những cuốc ngắn sẽ bị từ chối!?
Ngoài ra, ngày nay mô hình Uber/Grab ngoài là loại hình kinh tế chia sẻ ,nó còn thuộc loại mô hình kinh tế bỏ bớt tầng lớp trung gian có ở khắp mọi lĩnh vực chứ không chỉ trong vận tải: Trong ngành ngân hàng nó có cho vay ngang hàng; trong thanh toán nó bỏ Visa, Mastercard; trong hôn nhân nó bỏ ông mai bà mối; trong du lịch nó bỏ cả khách sạn (Airbnb)…
Câu hỏi 3: Theo ông, khung pháp lý tốt nhất để quản lý các ứng dụng gọi xe là gì?
Câu trả lởi 3: Theo tôi khung pháp lý tốt nhất để quản lý các ứng dụng gọi xe là hãy mặc cho nó “chiếc áo mới” với loại hình mới ứng dụng KHCN tiên tiến vào lĩnh vực GTVT, thõa mãn nhu cầu đi lại ngày càng tiện lợi và văn minh của người dân!
Nếu bây giờ chưa tìm ra định danh cụ thể thì gọi là là “loại xe hợp đồng đưới 9 chỗ” như QĐ 24 cũng là tốt, tuyệt đối không nên khoác trên mình nó “chiếc áo cũ Taxi” vì chính Bộ GTVT cũng đã nhìn nhận: “Nó chỉ hoạt động giống taxi chứ đâu phải là Taxi”!?
Vấn đề còn lại là, hãy mạnh dạn cởi trói cho hoạt động Taxi cũ đi! loại bỏ một số điều kiện kinh doanh vô lý hiện nay đang trói buộc taxi cũ, đồng thời làm cho nó mất sức cạnh tranh với loại hình mới vốn dĩ đã có nhiều mặt ưu việt về mặt công nghệ!
Ngoài ra, cũng nên lưu ý là những DN mới nổi này họ được phép làm những gì nhà nước không cấm chứ không chỉ chăm chăm vào làm những gì nhà nước qui định như một số yêu cầu của các DN cũ đòi hỏi!
Và chúng ta cũng cần nhớ rằng: Qui luật cuộc sống sinh động luôn phát sinh trước và luật pháp thường đi sau một bước, do đó, để kịp thời hòa nhập với cộng đồng, không gì khác hơn là chúng ta cần nghiên cứu sớm bổ sung các văn bản pháp luật đã lỗi thời!